Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã: LPB) công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần đạt 3.045 tỷ đồng, tăng gần 38% so cùng kỳ.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 32% lên 303 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối từ lỗ hơn 11 tỷ đồng của cùng kỳ nay đã có lãi 53 tỷ đồng; tương tự chứng khoán đầu tư cũng có lãi đột biến hơn 356 tỷ đồng có thể chủ yếu đến từ việc bán cổ phần tại STB do ngân hàng LienVietPostBank nắm giữ; riêng lãi thuần từ hoạt động khác giảm 50% về còn 15 tỷ đồng.
Kỳ này, ngân hàng LienVietPostBank chi tới 637 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 56% so cùng kỳ. Dù vậy, lãi sau thuế tại LienVietPostbank vẫn ghi nhận 1.434 tỷ đồng, gấp 1,9 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.588 tỷ đồng, lãi sau thuế của LienVietPostBank cũng tăng mạnh tới 76% so với cùng kỳ 2021, đạt 2.855 tỷ đồng.
Năm 2022, LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ, tăng 32% so với năm trước. Tổng tài sản đạt 336.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2022. Huy động thị trường 1 đạt 257.070 tỷ đồng, tương đương tăng 18,4%. Tín dụng thị trường 1 đạt 246.650 tỷ đồng, tăng 98% so với năm 2021.
Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, ngân hàng LienVietPostBank đã thực hiện được 75% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Mặc dù lãi đậm 6 tháng đầu năm 2022, nhưng dòng tiền tại LienVietPostbank lại đang ở trạng thái âm nặng.
Cụ thể, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại nhà băng này âm tới hơn 8.187 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ âm hơn 2.659 tỷ đồng. Bao gồm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm hơn 8.405 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 chỉ âm gần 2.467 tỷ đồng); lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư trong 6 tháng đầu năm cũng âm 13 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm nặng do ảnh hưởng của việc tăng khác về công nợ hoạt động (3.360 tỷ), tăng nợ Chính phủ và NHNN (1.558 tỷ), giảm các khoản cho vay khách hàng (19.530 tỷ), giảm các khoản về kinh doanh chứng khoán (3.400 tỷ),...
|
|
Nguồn: BCTC quý 2/2022 tại ngân hàng Lienvietpostbank. |
Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của ngân hàng LienVietPostBank tăng thêm hơn 11.700 tỷ lên 300.919 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng chiếm 223.055 tỷ, tăng 8% so với đầu năm.
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng tăng nhẹ 3% lên 185.787 tỷ đồng. Như vậy, sau khi tăng trưởng tín dụng và huy động đạt mức âm trong quý 1/2022, ngân hàng LienVietPostBank đã sử dụng phần lớn hạn mức tín dụng được cấp ban đầu trong quý 2/2022.
Đáng chú ý nhất là chất lượng tín dụng tại LienVietPostBank trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý 2/2022 tăng 11% so với đầu năm, chiếm 3.183 tỷ đồng trong tổng dư nợ, tương ứng tỷ lệ nợ xấu cùng tăng từ 1,37% của đầu kỳ lên 1,4%.
Xét về cơ cấu các nhóm nợ, nợ có khả năng mất vốn tăng gần 38% khi chiếm 1.837 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng vọt 67% lên 771 tỷ đồng, riêng nợ nghi ngờ giảm 46% về mức 574 tỷ đồng.
|
|
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại ngân hàng Lienvietpostbank (Nguồn: BCTC quý 2/2022). |
Đặc biệt, (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng tới 43% lên hơn 2.860 tỷ đồng. Dù nợ nhóm 2 chưa bị xếp vào nhóm nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn vì Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Ngoài khoản nợ xấu trên, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại LienVietPostbank tính đến 30/6/2022 ghi nhận hơn 2.248 tỷ đồng.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn không được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng, chưa được coi là nợ xấu. Tuy nhiên, rủi ro từ các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của nhóm ngân hàng thương mại luôn hiện hữu, nó như ‘quả bom’ nổ chậm.