Tối ngày 20/6, trang Facebook cá nhân Minh Việt đã đăng dòng trạng thái bày tỏ sự bức xúc khi phải trả nợ vô lý do sử dụng thẻ visa Premier Mastercard World của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), loại thẻ visa Vip nhất của SCB, cho phép chi tiêu sau 68 ngày mới phải thanh toán.
Sự việc này đã được Nguoimua.vn chia sẻ trong bài viết: “Ngân hàng TMCP Sài Gòn bị tố “chèn ép” lấy tiền khách?”
Link: https://www.nguoimua.vn/tai-chinh-tieu-dung/ngan-hang-tmcp-sai-gon-bi-to-chen-ep-lay-tien-khach-78987.html
Theo tìm hiểu trước đây Ngân hàng TMCP Sài Gòn cũng đã từng vướng loạt “lùm xùm” khiến dư luận bức xúc.
SCB rót hơn 6.000 tỷ đồng cho “dự án ma”?
Theo Tạp chí điện tử Hòa Nhập, tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2099 BC-TTCP ngày 2/12/2020 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của
Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) khi bắt tay cùng Công ty Việt Hân nhiều lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, “phù phép" hàng nghìn mét vuông đất công, có vị trí đắc địa tại TP.HCM thành đất tư để trục lợi.
Kết luận thanh tra nêu rõ: "Việc Vinafood 2 không triển khai dự án, chỉ sử dụng GCN QSDĐ để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 4 công ty thành viên vay ngân hàng và sau này là Công ty Việt Hân Sài Gòn chỉ sử dụng GCN QSDĐ này và lập nhiều hồ sơ vay bằng dự án đầu tư khống (thực tế không tồn tại dự án này, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền) để thế chấp đảm bảo cho nhiều khoản vay vốn trực tiếp tại một số Ngân hàng TMCP hoặc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cũng 1 lúc cho các pháp nhân khác thực hiện các dự án khác không liên quan đến 4 cơ sở nhà đất này để vay vốn và giải ngân trái pháp luật". Trong đó có vay của ngân hàng SCB.
Cụ thể, bà Trương Thị Cẩm Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Công ty Việt Hân Sài Gòn ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ vay cho 9 hồ sơ và đã được giải ngân hơn 5.801 tỷ đồng. Đến tháng 8/2017, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã trả hết nợ gốc và lãi vay của 7 hợp đồng và đến tháng 4/2018 trả hết gốc và lãi của 2 hợp đồng còn lại.
Tiếp đó, bà Trương Thị Cẩm Giang tiếp tục ký hợp đồng thế chấp tài sản vay từ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 7 hồ sơ khách hàng vay vốn và đã được giải ngân hơn 5.371 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, ngân hàng giải ngân và 1 năm sau, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã trả hết nợ gốc và lãi.
Chưa dừng lại đó, bà Trương Thị Cẩm Giang tiếp tục dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 cơ sở, nhà đất tại 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh ký hợp đồng thế chấp vay Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch và được giải ngân hơn 6.308 tỷ đồng. Số tiền này đã giải ngân trong cùng một ngày 28/8/2018 cho 7 hồ sơ vay.
Đến tháng 4/2019, 7 công ty là 7 khách hàng vay đã chủ động đề nghị dùng các bất động sản tại dự án khu dân thuộc khu chức năng số 9 đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh (tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) làm tài sản bảo đảm thay thế cho 4 thửa đất số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (Quận 1). Hiện SCB đã thu hồi hết tiền cho vay kèm tiền lãi theo quy định của khoản vay này.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng nói trên vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Chính sách tín dụng, Quy trình lõi cấp tín dụng, Quy chế phán quyết cấp tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần.
Những sai phạm tại dự án này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, tuy nhiên câu hỏi đặt ra về việc Ngân hàng SCB có tiếp tay cho sai phạm tại Vinafood 2?
Cựu giám đốc SCB Nguyễn Kiệm bị tố chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Tháng 5/2021, ông N.N.N đại diện Công ty CP Đầu tư N&T (Công ty N&T) có đơn tố cáo bà P.H.T, nguyên Giám đốc SCB chi nhánh NK về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể, thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, bà T nói thể giúp công ty N&T vay 630 tỷ đồng từ ngân hàng này để đầu tư dự án.
Bà T. đã làm giả toàn bộ hồ sơ, chứng từ gồm Thông báo, Quyết định của lãnh đạo Ngân hàng SCB về việc cấp tín dụng đối với Công ty N&T. Đồng thời, để “con mồi” thêm tin tưởng, bà T. sử dụng email nội bộ của Ngân hàng SCB để gửi các văn bản giả mạo có liên quan đến khoản cấp tín dụng đến email của các nhân sự có liên quan đến Công ty N&T.
Theo tố cáo của Công ty N&T, để “đền đáp” lại sự giúp đỡ, công ty này đã nhiều lần chuyển tiền cho bà T. với tổng số tiền lên đến 8 tỷ đồng.
Trước sự việc này, SCB đã có công văn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu của Bộ Công an về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của bà PHT- nguyên Giám đốc SCB NK. Nội dung công văn đã nêu cụ thể quá trình bà PHT làm văn bản giả mạo lừa dối cho vay để nhận tiền gây thiệt hại cho Công ty CP Đầu tư N&T.
SCB cũng đưa ra hình thức xử lý cao nhất từ Hội đồng Kỷ luật của SCB là Sa thải đối với bà P.H.T.
Khách hàng tố bị mất 4 tỷ trong tài khoản ngân hàng SCB
Năm 2016, Ngân hàng SCB dậy sóng dư luận với tố cáo của khách hàng Trần Thị Thanh Phúc cho rằng, ngân hàng đã làm mất 4 tỷ đồng trong tài khoản của chị rồi chối bỏ trách nhiệm.
Theo đó, khách hàng Trần Thị Thanh Phúc ở Hà Nội cho biết, có mở tài khoản thanh toán 054.01.0724012.0001 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) chi nhánh Nguyễn Khuyến -Hà Nội. Trong tài khoản của chị có hơn 4,2 tỷ đồng.
Ngày 19/11/2015, bà Phúc ra SCB rút tiền để mua nhà thì phát hiện 4 tỷ đồng trong tài khoản "không cánh mà bay". Nhân viên ngân hàng thông báo tiền đã được chuyển vào ngày 5/10/2015 cho người nhận là Lê Thu Hà, số CMT 013227232, do Công an Hà Nội cấp ngày 30/10/2012.
Trong khi đó, bà Phúc cho rằng kể từ ngày 25/8/2015, bà không thực hiện bất kỳ giao dịch rút, chuyển tiền nào từ tài khoản nên trên. Sau khi phản ánh tới ngân hàng, bà Phúc cũng gửi đơn đến cơ quan công an trình báo.