Hiện nay, trên một số website, mạng xã hội, các loại bánh Trung thu tự làm ("handmade") được rao bán rất nhiều với lời giới thiệu hấp dẫn như không có chất bảo quản, hương vị truyền thống, an toàn... Với mức giá “mềm” và sự tiện lợi trong việc đặt hàng, giao hàng, loại bánh Trung thu này được nhiều người chọn mua. Tuy nhiên, trong thực tế, chất lượng sản phẩm vẫn còn là dấu hỏi, một phần vì công tác kiểm tra, kiểm soát loại bánh Trung thu "handmade" này chưa được thực hiện một cách chặt chẽ.

Loại bánh này được sản xuất bởi những cơ sở nhỏ, lẻ hoặc do cá nhân tự làm rồi đăng bán trên mạng xã hội mà không chịu sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. Không đăng ký kinh doanh, không giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng bánh hanmade vẫn được người tiêu dùng lựa chọn bởi tin vào những lời quảng cáo và mối quan hệ với người bán.

leftcenterrightdel
Thận trọng với bánh trung thu handmade: Chất lượng do ai kiểm soát? 

Thực chất, có người bán cũng không hề biết nguồn gốc, xuất xứ của chiếc bánh trung thu mình bán và cũng tin tưởng những mối quen biết khác.

Như vậy, những sản phẩm bánh trung thu này liệu sẽ đảm bảo được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Bởi vì, bên cạnh những người buôn bán có tâm, vẫn còn một số người chạy theo lợi nhuận, mua nguyên liệu rẻ tiền, không rõ xuất xứ, chất lượng, thậm chí có nguy cơ cao nhiễm các vi sinh vật gây bệnh về sản xuất.

Trao đổi với một chuyên gia về thực phẩm, vị này cho biết, bánh trung thu trong quá trình sản xuất cần phải đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện vệ sinh thực phẩm từ nhà xưởng, nguyên liệu sản xuất; người sản xuất phải được khám sức khỏe; bánh phải đảm bảo tốt các yêu cầu bảo quản trong quá trình vận chuyển… Do đó, bánh trung thu sản xuất thủ công theo kiểu mùa vụ với quy mô nhỏ, vận chuyển đi xa thì khó mà đảm bảo được các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với thực tế trên, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, các hộ kinh doanh bánh trung thu handmade trên các kênh thương mại điện tử, hay bất kỳ hình thức nào đều phải chấp hành quy định về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm và nội dung quảng cáo phải được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt. Song, hiện nay các cơ quan chức năng hầu như chưa quản lý được những cơ sở quảng cáo bán hàng qua kênh: Zalo, Facebook…

Còn theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, các loại bánh handmade thường được làm với quy mô nhỏ, không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng với cơ quan chức năng và chủ yếu bán qua mạng, nên rất khó kiểm soát, khó truy xuất được nguồn gốc. Thậm chí, có nơi quảng cáo bánh tự làm, song họ lại nhập bánh từ Trung Quốc, không rõ xuất xứ về bán.

Cũng liên quan đến dòng sản phẩm này, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, khó khăn nhất trong kiểm soát an toàn thực phẩm bánh trung thu tự làm, là kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu. Theo quy định, ngoài hồ sơ hợp đồng về nguồn gốc và hóa đơn mua bán, cơ sở kinh doanh phải có thêm giấy đăng ký kinh doanh của cơ sở sản xuất nhân bánh và giấy kiểm nghiệm định kỳ nhân bánh đạt yêu cầu. Tuy nhiên, những loại bánh gắn mác handmade do các tiệm bánh nhỏ hoặc gia đình làm ra với mục đích để ăn, tặng và bán, không thể đáp ứng được yêu cầu này.

Do đó, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế; kiểm tra kỹ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng của sản phẩm. Tuyệt đối không mua, không sử dụng bánh trung thu không nhãn mác. Đối với các loại bánh gia truyền cũng cần mua tại các địa chỉ uy tín, khi mua yêu cầu người bán cung cấp các loại giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Sở hữu trí tuệ
Nguồn
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/than-trong-voi-banh-trung-thu-handmade-chat-luong-do-ai-kiem-soat-d83024.html