Sáu tháng đầu năm, TP HCM đón 1,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 80.833 tỷ đồng, trong đó hoạt động mua sắm của khách quốc tế đóng góp 9%, khách nội địa 2%. Mặc dù mua sắm được xem là sản phẩm chính của ngành du lịch thành phố, song khách du lịch chỉ dành 17% tổng chi tiêu cho mua sắm tại TP HCM. Trong khi đó, chỉ số này ở Bangkok (Thái Lan) là 23%, Kuala Lumpur (Malaysia) 32%, Singapore 28%.

Việc du khách ngại chi tiêu ở Việt Nam một phần lớn đến từ thói quen hét giá, "chặt chém" của các tiểu thương. Đây là một trong những vấn nạn của ngành du lịch Việt Nam, nhưng suốt bao năm qua vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tôi từng đi du lịch Thái Lan và mua một số món đồ tại đây. Cá nhân tôi thấy sản phẩm của họ có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, nhưng giá bán lại rẻ hơn nhiều so với sản phẩm của Việt Nam.

Điều này rất bất thường, nhất là khi thu nhập bình quân đầu người (GDP) của Thái Lan gấp đôi Việt Nam. Rõ ràng, sản phẩm của Thái chất lượng tốt hơn, giá cả phải chăng hơn, nên gia đình tôi cũng như nhiều người Việt khác rất thích sang Thái mua sắm.

Chẳng cần so sánh gì với các nước phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, chỉ cần so sánh với ngay người hàng xóm Thái Lan, Malaysia cũng đủ thấy cách kinh doanh của nhiều người Việt có vấn đề. Đơn giản như ở sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan, tôi mua một chai nước suối với giá bằng với khi mua bên ngoài sân bay, chỉ khoảng 30 Baht (tương đương 21.000 đồng), đồ ăn bán trong sân bay cũng có giá rất bình dân như đĩa cơm thịt kho 70 Baht (tương đương 49.000 đồng).

Trong khi đó, tại các sân bay ở Việt Nam như Tân Sơn Nhất, tôi có khát mấy cũng phải cố gắng chờ lên máy bay để được phục vụ nước miễn phí, bởi giá một chai nước suối tại đây đã gấp tám lần so với khi mua ở bên ngoài. Chính những điều ấy khiến trải nghiệm chi tiêu, mua sắm ở Việt Nam trở nên rất tệ trong mắt không chỉ người Việt mà còn cả du khách quốc tế.

Tất nhiên, tôi không cổ xúy cho tâm lý sính ngoại, nhưng có một vấn đề mà chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đó là giá bán các sản phẩm "made in Vietnam" đã hợp lý chưa, cũng như khi so sánh với các sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất. Tình trạng đó kéo dài, làm thui chột tinh thần ủng hộ dùng hàng Việt của chính người Việt. Khi chúng ta còn không thể chấp nhận các sản phẩm nội địa của mình vì giá thành không tương xứng với chất lượng thì làm sao du khách nước ngoài dám chi tiền để mua sắm ở ta.
Đình
Nguồn Vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/toi-mua-do-thai-lan-re-hon-hang-made-in-vietnam-4654823.html