Mua xe thanh lý, tiết kiệm được khoản chi phí

Mới đây, hàng loạt các ngân hàng như VIB, TPBank, VPBank... chào bán loạt mẫu xe thanh lý do chủ cũ không đủ tiền trả ngân hàng do dịch bệnh hoặc lý do khác nhau. Điểm chung các loại xe bán ra từ ngân hàng đều có niên hạn mới, khoảng từ năm 2017 đến năm 2020 và có giá rẻ hơn 30 - 120 triệu đồng/chiếc, tùy theo loại xe, chất lượng xe, niên hạn xe.
leftcenterrightdel
 Theo chia sẻ của một số người từng đi mua xe thanh lý, các mẫu xe thanh lý ngon, bổ đã được bán trước khi phát mại, chỉ những dòng xe "không ai mua" mới được đấu giá, thanh lý (Ảnh minh họa).

Đơn cử, một chiếc Mitsubishi Xpander bản tự động đời 2019 được một ngân hàng bán ra với giá hơn 600 triệu đồng. Phía ngân hàng bán cho biết mẫu xe được thanh lý do chủ cũ vỡ kế hoạch tài chính khi vay mua xe và không thể trả lãi và gốc.

Một mẫu xe khác là Toyota Vios bản số sàn đời 2020 rất mới có giá thanh lý hiện tại là 420 triệu đồng, thấp hơn giá bán xe mới tại đại lý hiện nay khoảng 10 triệu đồng/chiếc.

Điểm lợi của Vios thanh lý là người sở hữu không mất tiền biển, và tiền phí trước bạ cũng giảm rất nhiều so với xe mới. Người sở hữu xe này chỉ mất khoảng 7,5 triệu đồng để đăng ký trước bạ cho mẫu xe thanh lý, thay vì hàng chục triệu đồng khi mua xe mới.

Theo lời của nhân viên thanh lý xe của một ngân hàng tại Hà Nội, các mẫu xe thanh lý ngân hàng được đảm bảo về nguồn gốc, không có sự cố đáng tiếc nào. Thông thường người mua xe sẽ phải mua các loại bảo hiểm cho xe, vì vậy việc kiểm tra lỗi xe, các vấn đề của xe đơn giản, không gặp phải rắc rối về sau này.

Một điểm lợi của xe thanh lý ngân hàng là xe thường khá mới do thời gian vay và trả lãi xe các ngân hàng áp dụng hiện nay cho khách vay mua xe là từ 24 tháng tới bình quân 3 năm, tối đa cũng chỉ 8 năm. Vì vậy, nếu so với giá xe cũ, xe thanh lý rẻ hơn nên người dùng hoàn toàn có thể chọn mua xe cũ được.

Không hề rẻ, không hề "bổ"


Trái với chia sẻ từ phía ngân hàng thanh lý, không ít thợ săn xe tại các gara ở Hà Nội lại ngại mua xe thanh lý bởi thực tế xe thanh lý không hề rẻ so với các mẫu xe cũ bán ra trên thị trường.
leftcenterrightdel
 Xe thanh lý ngân hàng hầu hết là xe cỏ, xe chạy kinh doanh dịch vụ nên lợi thế so sánh đối với xe cũ trên thị trường không quá nhiều (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, để xác định xe ngập nước, xe tai nạn đối với xe thanh lý ngân hàng cũng chỉ phụ thuộc vào sự "thật thà" từ phía ngân hàng, nếu ngân hàng cố tình giấu tình trạng của xe, người mua cũng rất khó phát hiện.

"Xe thanh lý thực tế được ngân hàng cầm giấy tờ từ đầu nên người sở hữu thực tế chỉ sử dụng xe. Khi có hư hỏng người sử dụng có thể báo cho ngân hàng, hãng bảo hiểm hoặc không, tuy nhiên trường hợp báo cho ngân hàng không nhiều", anh Lưu Vũ Mạnh, nhân viên kinh doanh xe hơi cũ tại Hà Nội cho biết.

Người mua xe thanh lý biết được nguồn gốc xe, có thể là xe mới nhưng không được cảm giác cầm lái, xem xe trực tiếp vì quy định của nhiều công ty phát mại.

Bên cạnh đó, hầu hết xe thanh lý là dạng rủi ro tín dụng, nợ xấu nên ngân hàng sẽ yêu cầu người mua xe thanh toán 100%. Đây là vấn đề đối với khách hàng mua xe bởi giá xe thanh lý dùng được cũng không rẻ hơn nhiều so với giá xe cũ để người dùng buộc phải lựa chọn.

Đặc biệt, theo anh Mạnh, tâm lý nhiều người không muốn mua xe có "dớp" nợ nần, thua lỗ nên không thích xe thanh lý dù giá rẻ.

Một chi tiết về kỹ thuật là các loại xe thanh lý thường được các công phát mại thuộc ngân hàng hoặc bên thứ 3 để "kho" trong thời gian khá lâu từ 3 đến 6 tháng, thậm chí cả năm để chờ các bên làm xong thủ tục chờ phát mại

Tình trạng chung của các công ty này là không có trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng đúng cách. Vì vậy, nhiều rủi ro đối với người mua khi gặp phải xe hư hại về chi tiết điện tử, vấn đề pin, ắc quy... ngay trong quá trình đánh giá xe.

"Những mẫu xe cũ đang đi, để tầng hầm hoặc bãi xe vài tháng là rất hại xe, trong điều kiện nóng ẩm xe có thể gặp trục trặc về vấn đề điện, thiết bị điện tử hoặc thậm chí về máy. Chính vì vậy, khách hàng không nên tiếp cận những mẫu xe quá cũ nát để tránh mất thêm tiền", ông Phạm Hồng Chương, chủ gara ô tô tại đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nói.

Theo ông Chương, thậm chí có xe dù rất mới, nhưng do vận hành quá nhiều nên rất "tã". "Vì vậy, các xe đẹp, "ngon" từ phía ngân hàng đã sớm được bán cho trước khi phát mãi cho nhân viên, người liên quan. Loại xe "không ai mua" cuối cùng mới được bán ra ngoài và người có thể tiếp cận nhiều nhất hiện nay là các đại lý xe cũ", ông Chương cho biết.
Nguồn Theo Dân Trí
Link bài gốc

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xe-thanh-ly-cua-ngan-hang-ngon-re-nhung-co-bo-20210608123005939.htm