1. Vàng da sinh lý /vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da sinh lý:
Mức độ vàng da nhẹ là chỉ vàng da đơn thuần (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn) không kèm theo các triệu chứng bất thường khác.
Với trẻ đủ tháng, bình thường vàng da được coi là sinh lý khi vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi, và thường sẽ biến mất trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng.
Vàng da bệnh lý:
Trong một số trường hợp, vàng da là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó và ở những trường hợp này vàng da sẽ xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh.
Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Đồng thời với vàng da, có sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khác như: trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật,...
Cách kiểm tra: Kiểm tra bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Thường thì mình sinh xong ở lại bệnh viện 2 ngày hơn nên bác sĩ sẽ kiểm tra giúp mình. Về nhà các mẹ cũng nên kiểm tra nhiều lần cho đến khi qua hai tuần nhé.
Nhớ phải đủ ánh sáng, nếu trong phòng nhiều rèm màn màu quá cũng không nên kiểm tra vì rất dễ nhìn sai.
2. Trẻ bị nôn trớ sau khi bú sữa
Nôn trớ là biểu hiện thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản rồi trào ra miệng. Hiện tượng nôn trớ thường gặp hầu hết ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi trẻ ăn no, vặn mình.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nôn trớ là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, dạ dày nằm ngang và cơ thắt tâm vị còn yếu. Do đó, khi trẻ ăn no thường dễ dẫn tới hiện tượng nôn trớ. Ngoài ra, có thể do cách chăm sóc của bà mẹ chưa đúng như:
Ép bú quá mức
Trẻ bú không đúng tư thế, bú bình không đúng cách khiến trẻ nuốt nhiều khí vào dạ dày.
Trẻ vừa ăn no đã cho trẻ nằm
Một số cách phòng nôn trớ:
Cho trẻ bú đúng tư thế
Ngoài ra, khi đang bú, trẻ có quấy khóc nên dừng ngay việc bú lại để tránh sặc. Không nên cho trẻ bú quá nhiều, cần chia làm nhiều bữa ăn, mỗi bữa cách nhau 2-4 giờ.
Giữ đúng tư thế sau khi bú và vỗ ợ hơi
Sau khi bú xong, bà mẹ cần bế trẻ cao đầu trong khoảng 15-20 phút, không cho trẻ nằm. Vỗ nhẹ lưng để đẩy không khí từ dạ dày ra, giúp trẻ ợ hơi tốt.
Nới lỏng quần áo
Quần áo, tã quá chặt khiến cho thành bụng và dạ dày bị chèn ép nên trẻ rất dễ nôn trớ. Do đó, mẹ nên nới lỏng quần áo của trẻ, mặc quần áo rộng rãi càng thoáng càng tốt, đặc biệt là khu vực quanh bụng.
Nếu trẻ nôn trớ sau khi bú, bà mẹ cần nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh sặc chất nôn. Làm sạch chất nôn trong mũi, miệng và họng trẻ bằng cách hút hoặc lấy khăn gạc thấm.
3. Hăm tã, hăm ở vùng nách, vùng cổ
Biểu hiện: vùng mông, vùng cổ, vùng bẹn của bé bị mẩn đỏ.
Nguyên nhân:
Da trẻ bị dị ứng với chất liệu làm tã, hoặc với giấy ướt để lau, làm vệ sinh cho bé, hoặc với các hoá chất dùng tạo mùi thơm cho tã giấy.
Nhiễm trùng hay nhiễm nấm cũng là nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ. Nấm hay vi trùng ký sinh thường có ở da, không nguy hại nhưng khi da ẩm ướt, bị dơ do nước tiểu hay phân của trẻ thì nấm và vi trùng dễ phát triển, gây bệnh trên da, làm da đỏ, nổi nhiều mụn nhỏ, ngứa, rát khó chịu.
Da của trẻ quá nhạy cảm.
Nếu ở vùng nách vè cổ bé thì thường do nóng quá, mô hôi nhiều làm cổ ẩm ướt hoặc lúc bú sữa chảy ra cổ mà mẹ không lau.
4. Vấn đề rôm sảy ở trẻ
Nguyên nhân: Do nhiệt độ môi trường quá cao hoặc bé mặc áo quần quá nóng… khiến mồ hôi tiết ra nhiều nhưng các ống tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên mồ hôi không thoát ra ngoài hết và bị ứ đọng lại gây ra rôm sảy.
Điều trị rôm sảy:
Điều trị rôm sảy hữu hiệu nhất là làm giảm tiết mồ hôi bằng phương pháp điều hòa nhiệt độ: Máy lạnh, quạt thông khí, mặc quần áo thoáng mát. Khi da được làm mát, rôm sảy sẽ biến mất nhanh chóng.
Tắm thường xuyên cho trẻ giúp cơ thể mát, da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bít kín. Tắm bằng dung dịch thuốc tím pha loãng 1/10.000, sữa tắm loại không chứa xà phòng, không màu, không mùi cho trẻ em tắm bằng các bài thuốc dân gian như lá chè xanh, mướp đắng, lá khế,… sạch.
5. Vặn mình, rặn đỏ tai tía mặt cả đêm:
Thời gian trong một khoảng thời gian nào đó trong 3 tháng đầu. Đây là vận động sinh lý bình thường của bé thôi nhé. Các mẹ đừng lo lắng 😊
Biểu hiện: Trẻ vặn người, đỏ mặt của trẻ thường kéo dài trong vòng vài phút và tự hết. kể cả trong lúc ngủ trẻ cũng vặn mình.
Ngoài ra, trẻ vặn mình đỏ mặt nhưng vẫn bú tốt, không nôn trớ, không khóc khó chịu, lên cân tốt thì cha mẹ không cần lo lắng.
6. Mấy ngày liền không đi ỉ, có khi là cả tuần
Hiện tượng giãn ruột sinh lý thường xảy ra với bé sau 2 tháng chào đời, tuy nhiên thời gian xảy ra ở một số trẻ là khác nhau, có những bé xuất hiện sớm ngay khi bắt đầu bước sang tháng thứ 2 và có thể chênh lệch lên 2,5 – 3 tháng tùy từng bé.
Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn có thể kéo dài 7-10 ngày thậm chí 13-15 ngày không đi ị, đối với trẻ ăn sữa bột công thức có thể kéo dài 3-5 ngày không ị. Dù thời gian lâu không đi ngoài nhưng phân bé vẫn mềm, đều màu và không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào. Bé vẫn ăn ngủ tốt và mọi sinh hoạt của bé không có dấu hiệu bất thường hoặc khó khăn nào.
7. Rem sáng ở trẻ hoặc vừa ngủ vừa vận động
Biểu hiện: Em bé dù mắt vẫn nhắm tịt nhưng miệng phát ra những âm thanh gầm ghè, khó chịu. Bé trở mình khi ngủ nhiều hơn so với các thời điểm khác trong đêm.
Trong trường hợp nếu bé đói quá bé sẽ tỉnh giấc luôn. Nên trong khoảng thời gian chuẩn bị rem mẹ nên cho bé bú sữa. Khi dạ dày được no, em bé sẽ tiếp tục giấc ngủ của mình.
8. Ngủ khi bé tập lật
Khi đang ngủ bé có thể vừa ngủ vừa lật nhé. Thường xảy ra khi trẻ trong giai đoạn tập lật.
Bạn nên cho trẻ ngủ chung phòng với mình để có thể theo dõi và đổi tư thế lại cho bé. Và môi trường ngủ của bé không nên có các vật chắn gây nguy hiểm như gấu bông, gối chèn.
Với các bà mẹ ngủ chung với bé: mình đặt bé nằm thấp hơn so với người mình, khi nghe được dấu hiệu bé muốn lật mẹ có thể đặt tay kẹp nhẹ vào bé ở phía dưới nách mẹ thì sẽ dỗ bé ngủ ngoan hơn ( kinh nghiệm các nhân của mình).
9. Đi cầu liên tục (5 đến 7 lần) giai đoạn trước ăn dặm hoặc sau khi nhỏ rota
Nếu mẹ đem phân của con đi xét nghiệm vẫn bình thường thì không nên can thiệp gì mẹ nhé.
Đối với trẻ nhỏ rota ( khuyến khích không nên nhỏ rota Việt Nam vì hay có tác dụng phụ - kinh nghiệm bản thân và một số mẹ quen biết) khoảng 1 tuần đến 20 ngày sẽ tự hết.
Khoảng 5 – 6 tháng sẽ hết khi trẻ được ăn dặm. Các mẹ nên bổ cho ăn các thực phẩm như cà rốt…
10. Dính thắng lưỡi, dính thắng môi
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ mà bất kỳ trẻ sơ sinh nào cũng có nguy cơ mắc phải do bị ngắn dây thắng lưỡi (một lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi.
Theo thống kê thì sẽ có khoảng 5% trẻ sơ sinh sẽ bị mắc dị tật này sau khi sinh và được phát hiện ngay trong tháng đầu sau sinh khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tiêm chủng; hoặc trẻ sẽ được phát hiện tật dính thắng lưỡi muộn hơn khi cha mẹ thấy bé khó bú, khó phát âm hay lên cân chậm.
Với các bé bị dính thắng lưỡi chỉ có cách là đi mổ ( tiểu phẫu) càng sớm càng tốt nha mẹ.