Nhà sáng lập “tháo chạy”

Hà Giang là một trong những điểm đến sáng giá trên “bản đồ” phượt của cung đường Tây Bắc – Đông Bắc. Hà Giang sở hữu nhiều lợi thế vượt bậc về mặt du lịch nên thị trường bất động sản Hà Giang sớm hay muộn vẫn được dự báo sẽ bùng nổ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, theo cảm nhận của em, thị trường bất động sản Hà Giang vẫn chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng. Rất ít nhà đầu tư đặt chân đến mảnh đất xa xôi này. Sau Vingroup là tới CIC Invest (Công ty cổ phần đầu tư CIC) với dự án CIC Luxury Hà Giang.

Hàng hiếm là hàng ngon đúng không ạ? Tùy nhé, không phải lúc nào hiếm cũng là quý đâu ạ. Em thì nghĩ, khi mua bất động sản, việc quan trọng nhất cần phải xem chính là sức khỏe của chủ đầu tư và các cổ đông đứng sau chủ đầu tư đó.

CIC Invest thì sao? Ban đầu, đứng sau CIC Invest là một trong những tên tuổi lớn của làng bất động sản phía bắc – Văn Phú. Tuy nhiên, em cảnh báo là Văn Phú và một số cổ đông sáng lập của CIC Invest đã “tháo chạy từ lâu rồi ạ. Cùng lúc đó, chủ đầu tư CIC Invest thua lỗ thảm trong nhiều năm liền.

CIC Invest thành lập ngày 5/1/2010 tại Tòa nhà CIC Tower, số 2 ngõ 219 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Cổ đông lớn là Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest).

Tuy nhiên, tới năm 2016, Văn Phú Invest đã thoái hết vốn tại CIC Invest. Tới ngày 12/3/2018, một số cổ đông sáng lập khác như ông Hoàng Văn Oánh, Bùi Tuấn Hưng, Kiều Văn Tuyên đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 0%. Các cổ đông còn lại cũng giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ.

Cơ cấu cổ đông mới không được tiết lộ chỉ biết ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đã trở thành người đại diện pháp luật CIC Invest.

Thua lỗ thảm, nợ chồng chất

Nhà sáng lập lần lượt rời CIC Invest trong bối cảnh công ty có chuỗi ngày thua lỗ dài dằng dặc.

Từ 2017 đến 2020, doanh thu của CIC Invest không ổn định, lần lượt đạt 67,1 tỷ đồng (năm 2017), 51,5 tỷ đồng (năm 2018), 221 tỷ đồng (năm 2019) và 138 tỷ đồng (năm 2020).

Kết quả là CIC Invest chìm trong thua lỗ với các khoản lỗ 15,2 tỷ đồng (năm 2017), 8,9 tỷ đồng (năm 2018), 14,2 tỷ đồng (năm 2019) và 36,5 tỷ đồng (năm 2020).

Năm 2021 ghi nhận dự án CIC Luxury Lào Cai được quảng bá rộng rãi. Vì vậy, doanh thu công ty tăng nhẹ lên mức 154 tỷ đồng. Dù doanh thu chưa lập đỉnh, vẫn khiêm tốn so với năm 2019 nhưng CIC Invest lần đầu (trong giai đoạn 5 năm gần đây) có lãi nhưng lợi nhuận sau thuế rất khiêm tốn, chỉ đạt 495 triệu đồng.

Trong khi thua lỗ thảm, CIC Invest lại gánh nợ nần chồng chất. Hồi cuối năm 2021, chỉ tiêu nợ phải trả của CIC Invest lên đến 1.094 tỷ đồng, tăng 957 tỷ đồng, tương đương 699% so với năm 2017.  

Trong giai đoạn 5 năm gần đây, nợ phải trả tại CIC tăng chóng mặt, đạt 137 tỷ đồng vào năm 2017 nhưng tăng mạnh lên 368 tỷ (năm 2018), 627 tỷ đồng (năm 2019) 854 tỷ đồng (năm 2020) và đạt đỉnh 1.094 tỷ đồng (năm 2021).

CIC Invest đã phải cầm cố nhiều tài sản, trong đó có CIC Luxury Hà Giang.

Ngày 23/3/2022, CIC Invest đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân Hàng TNHH Indovina Chi Nhánh Thiên Long. Giá trị khoản vay là 193,5 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là “Lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị Quyền sử dụng đất và cơ sở hạ tầng trên đất thuộc dự án Nhà ở liền kề kết hợp thương mại, khách sạn tại tổ 16 phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang thuộc sở hữu của Công ty cổ phần đầu tư CIC”.

Tới ngày 29/3/2022, CIC Invest đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân Hàng TNHH Indovina Chi Nhánh Thiên Long với tài sản đảm bảo là “Toàn bộ các quyền tài sản (Bao gồm: quyền đòi nợ và thụ hưởng số tiền đòi nợ; quyền yêu cầu hoàn trả tiền ứng trước, tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại và thụ hưởng số tiền này) của Công ty CP Đầu tư CIC phát sinh từ từ khu đất tại Trường chính trị cũ (Tổ 16, phương Minh Khai, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang)”.

Hà Anh

Nguồn
Link bài gốc