Được rao bán tưng bừng từ lâu lẩu lầu lâu
Bất động sản phía tây Hà Nội là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thủ đô. Chính vì vậy, suốt thập niên qua đã mọc lên rất nhiều dự án khủng tại phường Dương Nội, La Khê, quận Hà Đông. Một trong số đó là Khu đô thị mới An Hưng của chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư đô thị An Hưng (Công ty An Hưng).
Khu đô thị mới An Hưng là dự án được chủ đầu tư xây dựng và phát triển quy hoạch để trở thành tổ hợp công trình dịch vụ hỗn hợp với quy mô lên đến 29,45ha. Dự án đi theo mô hình đô thị khép kín, cung cấp ra thị trường các sản phẩm cao tầng và thấp tầng. Nói cho dễ hiểu thì đó là căn hộ chung cư và biệt thự. Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 5.000 tỷ đồng.
Suốt thời gian qua, dự án liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Cả căn hộ và liền kề, biệt thự đều được rao bán với mức giá không hề rẻ như quảng cáo. Giá căn hộ dao động từ 29,9 triệu đồng tới 39 triệu đồng/m2. Giá biệt thự trên dưới 150 triệu đồng/m2. Liền kề có mức thấp hơn một chút, khoảng 130 triệu đồng/m2.
Gần đây nhất, dự án The Charm thuộc Khu đô thị An Hưng “khuấy đảo” mạng xã hội với nhiều mỹ từ như “siêu phẩm”. Tuy nhiên, Công ty An Hưng đã phủ nhận việc bán hàng của dự án.
Ngày 20/10/2022, Công ty An Hưng khẳng định hiện nay công ty đang thi công 3 tầng hầm của 2 khối nhà cao tầng và chưa có kế hoạch bán hàng ra thị trường.
An Hưng cho biết thời gian gần đây, trên mạng Internet xuất hiện một số trang web giả mạo Công ty cổ phần đầu tư đô thị An Hưng đăng tải một số nội dung liên quan đến việc quảng cáo, chào bán, đặt cọc, giữ chỗ dự án The Charm của Công ty cổ phần đầu tư đô thị An Hưng. An Hưng đề nghị khách hàng vào webstie của mình để tìm hiểu các dự án.
Giờ mới bị rà soát vì chậm tiến độ
Đáng lưu ý, Khu đô thị An Hưng nói chung và dự án The Charm thuộc Khu đô thị An Hưng nói riêng đều đã được rao bán trên mạng xã hội từ khá lâu nhưng gần đây, dự án mới bị đưa vào “tầm ngắm”.
Mới đây, khi đánh giá về việc phát triển các dự án nhà ở thương mại, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra một số tồn tại. Nhiều dự án triển khai chậm so với tiến độ được duyệt do thời gian giải phóng mặt bằng thường kéo dài; một số dự án được giao đất, cho thuê đất còn chậm triển khai, để hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng…
Vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ chủ trì cùng với các Sở, ngành tiếp tục rà soát những dự án chậm tiến độ để hàng năm cập nhật vào danh mục thực hiện giai đoạn 2021-2030. Ban đầu, Sở thông tin rằng có 80 dự án khu đô thị, nhà ở tại các quận, huyện nằm trong danh sách rà soát.
Và không ngạc nhiên khi Khu đô thị mới An Hưng là 1 trong 80 cái tên kể trên.
Liệu năng lực của An Hưng có đủ cho công ty “tăng tốc” hay không?
Về vốn, công ty có cả ngàn tỷ. Nếu có thêm hỗ trợ từ tín dụng, đây không phải nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình hoạt động của An Hưng thì dễ dàng thấy đã từ nhiều năm qua, công ty chỉ hoạt động cầm chừng.
Năm 2021, doanh thu An Hưng chỉ đạt 36,3 tỷ đồng, tăng so với con số 26,4 tỷ đồng của năm 2020 nhưng lại “rơi tự do” so với năm 2017. Sau 5 năm, doanh thu An Hưng giảm 983,7 tỷ đồng, tương đương 96,4%, lợi nhuận sau thuế giảm 393,1 tỷ đồng, tương đương 99,3% xuống chỉ còn 2,9 tỷ đồng.
Hà Anh