Cụ thể, trên nhiều website và diễn đàn sức khỏe, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Toha Fast được quảng cáo “đập tan sỏi tại nhà, to mấy cũng tan...”. Không những vậy, công dụng của sản phẩm này còn được thần thánh “đánh bay sỏi gấp 90 lần sản phẩm thông thường, không còn nỗi lo về bệnh sỏi”.

leftcenterrightdel
 Sản phẩm Toha Fast "nổ" công dụng, lừa dối người dùng? Ảnh: VietQ 

Những lời quảng cáo này còn khẳng định sản phẩm Toha Fast đã chữa khỏi bệnh lý về sỏi cho hàng ngàn bà con. Công dụng vượt trội hơn các sản phẩm khác, công nghệ sản xuất được đánh giá là cuộc cách mạng trong y học, giúp phân tích dưỡng chất thành các kích thước siêu nhỏ cỡ nanomet, nhờ đó mà quá trình thẩm thấu và phát huy tác dụng cao gấp hàng nghìn lần so với sản phẩm cùng loại.

leftcenterrightdel
Toha Fast được "nổ" như một loại "thần dược" điều trị bệnh sỏi thận. Ảnh: VietQ 

Chưa hết, sự dối trá trong quảng cáo sản phẩm Toha Fast còn thể hiện rằng phương pháp điều trị sỏi bằng tây y hiệu quả nhưng không triệt để, kể cả các phương pháp phẫu thuật, hay tán sỏi... nhưng chỉ cần dùng Toha Fast sỏi sẽ được giải quyết. Đây chỉ là một phần trong vô số những quảng cáo "nổ” được tung hô rất dễ thấy trên các trang mạng xã hội, trang web gắn với sản phẩm  Toha Fast.

Đáng nói, trong nội dung các quảng cáo sản phẩm này còn được cắt ghép, gán hình ảnh với diễn viên nổi tiếng để dẫn dụ người tiêu dùng như: nghệ sĩ Văn Báu, NSND Minh Hằng…

leftcenterrightdel
 Hình ảnh người nổi tiếng bị lạm dụng để quảng cáo sản phẩm.Ảnh: VietQ

Việc quảng cáo trái quy định pháp luật này có thể gây hậu quả khó lường như làm sai lệch thông tin, lừa dối người tiêu dùng tin rằng sản phẩm Toha Fast là loại thuốc có thể chữa các bệnh lý về sỏi thận… Việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để dụ người tiêu dùng không phải chiêu mới nhưng không phải người bệnh nào cũng đủ thông thái để nhận diện sản phẩm sử dụng chiêu trò để quảng cáo trái quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, sản phẩm này còn sử dụng hàng loạt hình ảnh khách hàng, bệnh nhân chia sẻ về công dụng và hiệu quả của sản phẩm bằng hình thức đăng tải bài: “Nhân vật chia sẻ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh”, dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên trang website khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh.

Trước sự việc này, các chuyên gia y tế khuyến cáo, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ trợ cho sức khỏe chứ không thể trị bệnh. Việc hiểu lầm đó là thuốc chữa bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng sản phẩm khi nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Đặc biệt sẽ khiến cho việc chữa trị của người bệnh bị kéo dài và gây ra những hậu quả khó lường. Vì vậy mọi người hãy cẩn trọng, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định lựa chọn sử dụng sản phẩm này.


Nguồn
Link bài gốc