Rót vốn mua lại chứng khoán ORS vào đầu năm 2019 và đổi tên thành TPS, nhóm ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Doji thể hiện tham vọng trở thành tay chơi lớn trong chuỗi giá trị tài chính sau thành công của Ngân hàng TPBank. Với nguồn vốn được bơm thêm cùng sự trợ lực của Ngân hàng, TPS nhanh chóng vụt thành ngôi sao trên thị trường chứng khoán, đặc biệt trong lĩnh vực thu xếp vốn.
Tuy nhiên, tình hình thị trường không thuận lợi đã khiến cho kết quả kinh doanh của TPS 6 tháng đầu năm gặp phải "sao chổi". Công ty không chỉ lỗ bởi các khoản đầu tư vào cổ phiếu, mà đầu tư trái phiếu cũng lỗ nặng!
Cụ thể, chỉ riêng quý 2/2022, TPS lỗ sau thuế gần 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế hơn 53,7 tỷ đồng. Đây là số lỗ kỷ lục kể từ khi Công ty lên sàn, bất chấp việc doanh thu hoạt động tăng 132% so với cùng kỳ, lên mức 661,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân đến từ việc TPS cắt lỗ loạt cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục, dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL tăng 488%, lên gần 528 tỷ đồng. Mảng tự doanh của Công ty lỗ gần 250 tỷ đồng (đã trừ chi phí tự doanh).
TPS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu niêm yết với giá trị hơn 87 tỷ đồng. Ngoài ra, cắt lỗ trái phiếu chưa niêm yết hơn 280 tỷ đồng. Tổng giá trị cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong kỳ là hơn 367 tỷ đồng.
Trong đó, CTCK này cắt lỗ SSI - công ty của “bố già” Nguyễn Duy Hưng khi bán ra tại giá trung bình 19.998 đồng/cp, giảm gần 50% so với giá mua vào, tương đương lỗ hơn 24,3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hoạt động của TPS đạt gần 1.428 tỷ đồng, tăng 164% so cùng kỳ; song lợi nhuận sau thuế giảm 39%, xuống còn 92,45 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2022, TPS đã mua thêm hàng loạt cổ phiếu như BCG, VND, HCM, HNG, NLG, PLX… nhưng hiện đều ghi nhận lỗ do thị trường chứng khoán sụt giảm liên tục và kéo dài trong quý 2.
Đặc biệt, trái phiếu chưa niêm yết khiến TPS ghi nhận lỗ tới 459 tỷ đồng. Riêng 2 lô trái phiếu của tập đoàn bất động sản R&H Group khiến công ty ghi nhận lỗ nhiều nhất, khoảng 190 tỷ đồng. Trong khi phần lãi thu về từ các giao dịch bán trái phiếu này chỉ đạt 73 tỷ đồng, tương đương lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng.
R&H Group do ông Trương Quang Minh sáng lập. Ông Minh hiện tại cũng là chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị VINAHUD (UPCoM: VHD).
Tháng 10/2021, R&H Group tăng vốn điều lệ từ 999 tỉ đồng lên 1.450 tỉ đồng. Lúc này, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật được chuyển giao cho ông Bùi Minh Kết, trong khi nhà sáng lập Trương Quang Minh đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT.
Ông Bùi Minh Kết vốn được biết tới là Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên – thành viên của CTCP Bamboo Capital (Mã CK: BCG). Ông Kết còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Thủ Đô (CASC) – ‘mảnh ghép’ được BCG bổ sung vào hệ sinh thái từ tháng 8/2021.
Trên website của mình, R&H Group giới thiệu công ty này hoạt động trong 6 lĩnh vực gồm: M&A (mua bán – sáp nhập), đầu tư và phát triển bất động sản cao cấp, xây dựng dân dụng công nghiệp và nội thất, đầu tư năng lượng sạch, đầu tư phát triển trang trại nông nghiệp hữu cơ và quản lý vận hành các khu nhà ở hạng sang/khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp.
Với lĩnh vực bất động sản, danh mục các dự án được R&H Group viết trên website gồm có: Grand Mercure Hạ Long Hotel & Resort, Parahills Resort, Grand Mercure Phú Yên, Viên Nam Ecolodge, Viên Nam Resort… Ở các dự án này, R&H Group nhận mình là nhà đầu tư/nhà phát triển/nhà đầu tư chiến lược hoặc đơn vị đồng hành phát triển.
Trên thị trường chứng khoán, R&H Group cũng là tay chơi lớn huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu. Đáng chú ý, các lô trái phiếu của R&H Group đều được mua trọn bởi một CTCK và được thu xếp bởi TPS.
Sau khi ghi nhận lỗ lớn quý II, TPS cũng không còn nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết cua TPS giảm từ 775 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 90 tỷ đồng vào cuối quý II.
Ngoài ra, TPS cũng cho biết đã bổ sung khoản nợ 150 tỷ đồng từ đại gia bán lẻ Thế Giới Di Động. Khoản vay này chịu lãi suất từ 8-8,2%/năm.