Phải đi làm ngang qua Lê Đức Thọ nên ngày nào em cũng có cơ hội chiêm ngưỡng dự án Sun Square. Chả hiểu tại sao, bao nhiêu năm trôi qua, dự án vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Thực ra, nói dự án không nhúc nhích thì không hoàn toàn chính xác vì một phần dự án (bao gồm các toà nhà có mặt tiền hướng về đường Lê Đức Thọ) đã được hoàn thiện, bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, phần dự án có mặt tiền hướng về đường Nguyễn Hoàng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được xây xong, phía bên trong dự án, có phần diện tích chưa được xây dựng.
Tính chung lại thì toàn bộ tòa nhà vẫn trong tình trạng chưa hoàn thiện.
Em thực sự không lý giải được tình hình gì đang diễn ra. Nhiều dự án bị bỏ hoang, khi kinh tế khó khăn, chủ đầu tư cho nó hoang luôn là điều dễ hiểu. Còn đằng này, dự án đã xây thô xong rồi, chỉ cần đầu tư thêm một chút nữa để hoàn thiện là xong. Đằng này cứ để nó hoang hóa thế. Đúng như kiểu đến đêm 30 rồi mà không thể cố lên Giao thừa được. Kỳ lạ thật.
Mà ở Hà Nội, không chỉ có Sun Square, ngay đầu cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, em thấy có cả loạt tòa nhà nằm phơi nắng phơi sương hơn chục năm rồi.
Những dự án như thế vừa thiệt hại cho chủ đầu tư, khách hàng vừa làm xấu bộ mặt kinh thành.
Vì thế, khi nghe tin Hà Nội sẽ “rắn” là em vui lắm.
Mới đây thôi, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 334 về khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm liên quan đến việc diện tích nhà ở bình quân năm 2021 chưa đạt được chỉ tiêu; nhiều dự án phát triển nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.
Hay nhất là khoản Hà Nội quyết tâm “rắn”. Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, UBND TP kiên quyết thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định, đồng thời công khai thông tin vi phạm, đưa vào tiêu chí đánh giá và không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn thành phố.
Dự án Tổ hợp công trình dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở tại số 21 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình II (Tên thương mại là Sun Square) của Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Thăng Long (Công ty Thăng Long) bị “réo tên”.
Dự án có mức đầu tư 1.283 tỷ đồng. Theo tiến độ được duyệt, dự án hoàn thành dự án trong quý IV/2017. Tuy nhiên, hiện tại đang là cuối quý IV/2022. Nghĩa là tròn nửa thập niên đã trôi qua mà dự án vẫn trong tình trạng “chưa hoàn thiện”.
Như thế là dự án đã đủ tiêu chuẩn bị thu hồi chưa các bác? Ấy là chưa kể đến năng lực chủ đầu tư.
Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Thăng Long thành lập năm 2003. Suốt thời gian dài, bà Nguyễn Hải Yến giữ chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty. Tuy nhiên, kể từ ngày 13/5/2022, ông Nguyễn Thế Đệ đã thay thế bà Hải Yến ở cả hai vị trí này.
Về năng lực vốn, vài năm gần đây, vốn điều lệ của công ty tăng từ 282 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng (từ ngày 21/6/2019). Dù vậy nhưng tới 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 525 tỷ đồng. Nghĩa là công ty đăng ký “cho vui” ạ? Phải tới cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu công ty mới đạt tới 806 tỷ đồng.
Còn về doanh thu và lợi nhuận thì Úi Xời Xời lắm.
Công ty Thăng Long đã có lúc đạt doanh thu trăm tỷ. Nhưng đó là quá khứ, xa đã xa lắm rồi.
2018 là năm rực rỡ nhất khi Công ty đạt doanh thu lên tới 686 tỷ đồng. Sau đó, doanh thu “cắm đầu” xuống chỉ còn 525 tỷ đồng (năm 2019), 32,9 tỷ đồng (năm 2020) và 35,7 tỷ đồng (năm 2021).
Nghĩa là sau 4 năm, doanh thu của chủ đầu tư Sun Square giảm tới 650,3 tỷ đồng, tương đương 94,8%. Vì vậy, công ty thêm một lần thua lỗ (trong giai đoạn 5 năm gần đây) với khoản lỗ năm 2021 đạt 2,8 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017 công ty lỗ 2,7 tỷ đồng.
Trước đó, công ty không lỗ nhưng lợi nhuận vô cùng khiêm tốn chỉ là 18,1 tỷ đồng (năm 2018), 7,5 tỷ đồng (năm 2019) và 282 triệu đồng (năm 2020).