Theo nội dung trình bày của báo, chủ đầu tư Việt Đức Complex đã cho thay đổi kết cấu hiện trạng của 2 tầng kỹ thuật trong tòa nhà thành các căn hộ, văn phòng để kinh doanh. Cụ thể, sử dụng một phần diện tích của tầng kỹ thuật vào mục đích kinh doanh; tự ý xây dựng vách ngăn và phân chia phòng bố trí như căn hộ để ở tại tầng kỹ thuật không phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng tầng kỹ thuật của CĐT đã được các cơ quan chức năng chỉ ra rất rõ tại các văn bản của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình, Bộ Xây dựng và Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
( 2 tần kỹ thuật của tòa nhà )
Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc cấp sổ hồng, các căn hộ không đủ điều kiện để được cấp sổ theo quy định, khiến cư dân bị ảnh hưởng quyền sở hữu hợp pháp.
Trước tình hình trên, cư dân đã có rất nhiều lần đấu tranh gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng, tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ đòi quyền lợi từ chủ đầu tư. Như treo rất nhiều băng rôn trên các ban công toà nhà và ngay phía dưới đường tại toà chung cư.
Thậm chí, nhiều cuộc "đối đầu" giữa cư dân và CĐT xảy ra khiến lực lượng chức năng phải xử lý một trường hợp cư dân bị thương sau vụ xô xát. "Hôm đó có cả ông Bảy trực tiếp giật băng rôn của dân, cuộc xô xát khiến một cư dân bị thương và một số cư dân khác bị vỡ điện thoại" - theo lời kể của báo.
( Chủ đầu tư trực tiếp đi dẹp băng rôn )
Hay trong buổi đối thoại làm việc, có sự tham gia của UBND phường Nhân Chính. Ông Nguyễn Văn Bảy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức cho rằng, 2 tầng kỹ thuật này thuộc quyền sở hữu và quản lý của Nhà nước. Công ty đã nộp tiền vào ngân sách Nhà nước rồi, do đó, việc cho thi công kỹ thuật và sử dụng các tầng kỹ thuật này là đúng quy định. Còn ông Lê Xuân Thắng – Đại diện BQL dự án thông tin: "Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra dự án và ra quyết định thu về ngân sách Nhà nước số tiền gần 59 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị đã nộp đủ số tiền trên vào ngân sách để sử dụng triệt để diện tích tránh lãng phí. CĐT cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tách riêng việc cấp giấy chứng nhận cho cư dân và văn phòng dịch vụ để tránh kiến nghị kéo dài". Tuy nhiên, phía người dân phản đối CĐT vì cho rằng, việc Thanh tra Chính phủ thanh tra và yêu cầu nộp 59 tỷ vào ngân sách là thu hồi số tiền sai phạm mà CĐT có được bằng hoạt động kinh doanh từ hành vi vi phạm của mình, chứ không có nghĩa là cho phép sai phạm nói trên tồn tại.
Sau những lần đối thoại không đem lại kết quả đó, cư dân vẫn tiếp tục ý kiến đến các cơ quan chức năng. Đến nay ngày 8/12, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong vừa có buổi chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp của công dân. Đồng thời, ra yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý những sai phạm của chủ đầu tư dự án chung cư Việt Đức Complex trong việc thi công không đúng với hồ sơ thiết kế và cho thuê, sử dụng làm văn phòng trái phép tầng kỹ thuật của tòa nhà. Đồng thời, niêm phong, dừng ngay hoạt động kinh doanh để xử lý; yêu cầu chủ đầu tư phối hợp cùng với các cơ quan chức năng cấp sổ hồng cho các hộ dân..; các hộ dân thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, thời hạn hoàn thành trong Quý I/2022.
( Chung cư với hơn 700 căn hộ )
Được biết, Dự án chung cư Việt Đức Complex (Thanh Xuân, Hà Nội) có chủ đầu tư (CĐT) là Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư Sông Đà - Việt Đức. Dự án gồm 4 tòa nhà cao chung cư từ 23 đến 27 tầng, được xây dựng trên diện tích đất là 11.754m2, có tổng số 704 căn hộ, nằm trên trục đường lớn Lê Văn Lương.
Để tránh vướng phải những rắc rối liên quan tới các vấn đề trên, người mua hay các nhà đầu tư đang có ý định mua hay kinh doanh cần tìm hiểu kỹ và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đầu tư hay rót vốn vào dự án trên.