Sữa và các chế phẩm từ sữa nếu an toàn sẽ hiếm khi gây ngộ độc song có thể nói nếu để xảy ra tình trạng này trên diện rộng và với tính chất lặp đi lặp lại thì cần thiết phải lên tiếng báo động về chất lượng sữa hiện nay. Có thể nói, thời gian qua đã ghi nhận nhiều trường hợp nhiều trẻ bị ngộ độc sữa khi uống sữa của các thương hiệu như: Vinamilk, Nestle, Nutifood hay Vinasoy... 

Còn nhớ, lần gần đây nhất ghi nhận trường hợp trẻ bị ngộ độc sữa hàng loạt là tại Trường Tiểu học Tiên Dương huyện Đông Anh, Hà Nội. Cụ thể, Bệnh viện đa khoa Đông Anh ghi nhận 22 trường hợp có biểu hiện đau bụng, nôn... 7 trường hợp đến Bệnh viện đa khoa Đông Anh khám và điều trị (các trường hợp này đã ổn định sức khỏe và có 3 trường hợp đã xuất viện, dự kiến 4 trường hợp được xuất viện chiều ngày 11/9).

Được biết trong suất ăn mà các học sinh này đã dùng có sản phẩm sữa học đường do Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cung cấp. Sự việc làm dấy lên luồng ý kiến cho rằng sữa học đường có đạt chuẩn. Nhiều ý kiến cho rằng sữa học đường Vinamilk có tới 17 vi chất thay vì chỉ có 3 vi chất được bổ sung như quy định trong mời thầu, sữa có hạn sử dụng 8 tháng thay vì 6 tháng, khiến dư luận hoang mang về chất lượng của sữa Vinamilk trong chiến dịch sữa học đường? Câu hỏi đặt ra là liệu việc Vinamilk pha vượt quy định 14 loại vitamin và khoáng chất vào sữa học đường Hà Nội có đúng quy định và an toàn cho trẻ sử dụng?

Tiếp đó, tại Hải Phòng 4 thiếu niên từ 13-16 tuổi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da xanh tái, vã mồ hôi và buồn nôn do uống chung chai sữa Nutri Boost có pha tinh dầu CBD oil của một thanh niên đưa cho.

leftcenterrightdel
Vỏ chai chứa dung dịch 4 học sinh đã uống (Ảnh: Công an cung cấp). 

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo Công an quận Ngô Quyền cho biết qua test nhanh lượng sữa còn trong chai, cơ quan chức năng bước đầu không phát hiện có thành phần chất ma túy hay tinh chất cần sa nào.

Vị này nhận định nhiều khả năng là một loại tinh chất khác (chưa xác minh được) khi kết hợp với sữa thì gây ra tình trạng trên cho các cháu học sinh khi uống.

Theo đó, Sở Y tế Hải Phòng vừa đề nghị UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo cơ quan công an xác minh và có trả lời chính thức việc có chất gây nghiện bên trong chai sữa Nutri Boost gây ngộ độc cho 4 học sinh hay không.

Một vụ việc nữa cũng liên quan đến ngộ độc sữa xảy ra ở tỉnh Ninh Thuận. 30 học sinh Trường tiểu học Ninh Quý, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) sau khi dùng một sản phẩm thức uống dạng hộp 115 ml bỗng có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, bị nôn mửa…, phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu.

leftcenterrightdel
30 học sinh tiểu học nhập viện nghi bị ngộ độc sữa (Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh)  

Một vụ ngộ độc sữa ở Ninh Thuận xảy ra ngày 25/4/2019, 383 học sinh của Trường tiểu học Ninh Quý (Ninh Phước, Ninh Thuận) cùng uống sữa Milo theo chương trình sữa học đường của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ.

Đến khoảng hơn 9h, có 44 em có triệu chứng đau bụng, nôn mửa. Các em nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận để điều trị.

Trước đó, ngày 15/3/2019, học sinh thuộc Trường tiểu học Nhã Lộng (huyện Phú Bình - tỉnh Thái Nguyên) uống sữa học đường nhãn hiệu Fami Kid (Vinasoy) loại thể tích 125ml đã có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và đi ngoài. Trưa cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Phú Bình đã tiếp nhận 24 học sinh để điều trị.

leftcenterrightdel
 Hàng chục học sinh phải nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa đậu nành Fami Kid (Ảnh: Báo Dân sinh)

Được biết, kế hoạch triển khai chương trình “Sữa đậu nành học đường Vinasoy” được Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên ban hành ngày 19/02/2019.

Tương tự, ngày 2/3/2018 sau khi uống sữa buổi sáng, 73 học sinh Trường mầm non Phú Lộc và Trường tiểu học Phạm Văn Đồng (huyện Tân Phú, Đồng Nai) có biểu hiện đau bụng, nôn ói, sau đó phải nhập viện cấp cứu.

Theo Sở Giáo dục & Đào tạo, sữa mà học sinh đã uống có hiệu NutiFood – Đây là sản phẩm sữa được Đồng Nai lựa chọn sử dụng trong chương trình Sữa học đường.

Còn nhớ, lần ngộ độc sữa đáng nhớ nhất trong lịch sử xảy ra ở tỉnh Hậu Giang. Đã có tới gần 500 học sinh tại 2 trường tiểu học trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, phải nhập viện. Cụ thể, 540 em học sinh sau khi nhận suất sữa pha sẵn miễn phí từ Công ty TNHH Dịch vụ Quảng cáo M.C (gọi tắt là Công ty M.C) được sự ủy quyền của Công ty TNHH Nestle Việt Nam sau khi uống sữa hơn một giờ, nhiều em học sinh của 2 trường có biểu hiện đau bụng, nôn ói. Tổng số có hơn 500 em học sinh của cả hai trường được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy.

leftcenterrightdel
Vụ việc khiến hàng loạt học sinh tiểu học trên địa bàn thị xã Ngã Bảy phải nhập viện kiểm tra sức khỏe (Ảnh: Công an Nhân dân) 

Được biết, những suất sữa nói trên là loại sữa Milo được pha sẵn do Sở Y tế tỉnh Hậu Giang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang cấp phát miễn phí định kỳ cho học sinh.

Trước khi dính tới những "lùm xùm" này, cả Vinamilk, Nestle, Nutifood hay Vinasoy đều không ít lần khiến người tiêu dùng phải "phát hoảng" vì chất lượng sữa. Hơn nữa, tất cả những vụ ngộ độc sữa này đều liên quan đến đề án "Sữa học đường".

Theo đề án, mỗi trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp 180ml. Tại Hà Nội, chi phí sữa cho các em được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cũng cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%. Riêng với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến trái chiều của các phụ huynh được bàn luận khi triển khai đề án này. Họ đều lo ngại về chất lượng sữa mà con em mình được uống ở trường có đảm bảo sức khỏe. Trong khi đó, họ chưa có bất cứ thông tin gì về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng như thế nào? việc bổ sung vi chất cần phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học (bổ sung vi chất nào, hàm lượng bao nhiêu, tình trạng thiếu hụt vi chất ở trẻ em ra sao, khả năng hấp thu và chuyển hóa ra sao...?). Và phải chăng để xảy ra những trường hợp ngộ độc trên diện rộng, tuy chưa có thiệt hại nghiêm trọng song qua đó khẳng định liệu rằng chúng ta có đang dễ dãi với chất lượng sữa cho con trẻ sử dụng? Thiết nghĩ Bộ Y tế, các cơ quan quản lý và các Doanh nghiệp sữa cần xem xét lại vấn đề để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người sử dụng.



Nguồn
Link bài gốc